Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Những chiêu "luộc" đồ công nghệ cần cảnh giác

Đem chiếc laptop bị hỏng đến một cửa hàng sửa máy tính để kiểm tra, chị Phương không ngờ nhiều bộ phận đã bị nhân viên sửa chữa “luộc” đồ bằng linh kiện rởm.

Khi gặp sự cố máy tính, khách hàng nên tới trung tâm bảo hành hoặc cửa hàng sửa chữa có uy tín (Ảnh minh họa)
“Lợn lành thành lợn què”
Chị Trần Hoài Phương (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, để tiết kiệm chi phí, chị không mang máy tính đến trung tâm bảo hành chính hãng mà tìm đến một cửa hàng sửa chữa máy tính bên ngoài.
Tại đây, chị được nhân viên cho biết, máy tính của chị bị hỏng nặng nên phải để lại sửa. Một tuần sau, chị Phương được nhân viên gọi điện thoại thông báo, họ không sửa được và yêu cầu chị Phương đến nhận máy về.
“Để biết thực hư mức độ hỏng hóc, tôi đem máy tính đến trung tâm chính hãng để kiểm tra lại. Sau gần một tuần, tôi được họ thông báo mainboard của máy tính bị cháy, RAM hỏng, một số bộ phận khác cũng bị thay thế, vì khi đem máy tính đến cửa hàng bên ngoài sửa chữa, tôi không có giấy biên nhận ghi chi tiết cấu hình máy nên chẳng có chứng cứ để kiện họ”, chị Phương bực bội.
Việc không am hiểu về linh kiện bên trong máy cũng như sự thay đổi của công nghệ khiến người dùng chỉ biết đặt lòng tin vào những cửa hàng sửa chữa máy tính. Lợi dụng điều này, không ít cửa hàng đã phù phép bằng cách thay đồ của khách hàng. “Sửa ở đâu có uy tín” là câu hỏi thường gặp ở bất cứ diễn đàn công nghệ nào.
Tuy nhiên, tìm được một địa chỉ sửa chữa máy tính uy tín không dễ đối với những khách hàng không có kiến thức về công nghệ, đặc biệt là nữ giới. Đây chính là cơ hội để những thợ sửa chữa “nhìn mặt” để ra giá và tranh thủ “luộc” đồ.
Đối với một chiếc laptop, các loại chip trên bo mạch chủ, thanh RAM, ổ đĩa CD, DVD... đều là những chi tiết bị “nhắm” đến nhiều nhất. Còn đối với điện thoại thì pin, camera chụp ảnh, màn hình cảm ứng… cũng là những bộ phận dễ bị thay thế.
Mỹ Dung, sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ kể lại, do làm rơi nên chiếc Samsung Galaxy Wonder của chị bị đứt cáp. Sau khi mang đến một cửa hàng điện thoại sửa chữa, đến ngày trả, mang máy về, Dung phát hiện camera chụp ảnh bị mờ, pin nhanh hết hơn, loa nghe nhạc và đàm thoại chập chờn, lúc được, lúc tắt. Cẩn thận mang đến một cửa hàng gần nhà để kiểm tra, Dung mới biết, camera, pin và loa chính hãng đã bị thay thế bằng phụ kiện Trung Quốc.
Hiện nay, một số cửa hàng sửa chữa đồ điện tử cũng ghi lại cho khách hóa đơn sửa chữa, cấu hình máy có cả số serial của từng bộ phận, tem bảo hành, thời gian giao nhận… Song thực tế, việc ghi lại các chi tiết máy cũng không tránh khỏi khả năng bị “luộc” đồ. Bởi, những loại tem bảo hành được dán trên linh kiện đồ điện tử có thể bị thợ sửa “cao tay” dùng máy sấy hoặc xăng để phù phép.
Thậm chí, nhiều cửa hàng sửa chữa đồ điện tử còn mở ra các chương trình khuyến mãi như kiểm tra laptop, xử lý hỏng hóc hay đăng ký kiểm tra tình trạng máy miễn phí. Đây cũng chính là mánh khoé để nhân viên sửa chữa biến “lợn lành thành lợn què”.
Phải có giấy biên nhận đầy đủ thông tin
Thông thường, ở những cửa hàng sửa chữa đồ điện tử luôn có sẵn đủ loại linh kiện cũ, hỏng hoặc bị lỗi như CPU, RAM... Khi khách hàng mang máy tính đến sửa, chỉ trong nháy mắt nhân viên sửa chữa có thể đánh tráo các bộ phận quan trọng bằng “hàng chết” nhưng có thông số giống hệt những phụ kiện trong máy của khổ chủ.
Sau đó, họ thông báo với khách hàng là “máy đã chết CPU, RAM cần phải thay thế”. Và đương nhiên, khách hàng chỉ còn cách thay linh kiện khác, nếu không đồng ý thì họ cũng vẫn thu được khoản lời đáng kể từ những món đồ vừa “luộc”.
Ông Lương Văn Tuấn, Phó giám đốc Công ty Tin học Tuấn Minh ở phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm cho biết, việc tráo đổi linh kiện khi khách hàng mang đồ điện tử như laptop, điện thoại đi sửa chữa xảy ra khá nhiều, đặc biệt với khách hàng thiếu hiểu biết về máy móc, thiết bị công nghệ cao hoặc cả tin giao toàn bộ cho nhân viên kỹ thuật.
Phần lớn các cửa hàng sửa chữa máy tính chỉ giao cho khách đến sửa chữa một tờ giấy biên nhận sơ sài, thậm chí nhân viên tiếp nhận cũng không ghi rõ các cột mục đầy đủ. Ngoại trừ nhân viên bảo hành phát hiện được bộ phận nào cần sửa thì tháo ra, các trường hợp để toàn bộ máy lại cửa hàng kiểm tra đều không có biên nhận tổng thể. Trong trường hợp xảy ra tráo đổi, phần lớn khách sẽ thiệt hại nếu giữa hai bên không làm biên nhận ghi rõ cấu hình và tình trạng của máy.
Theo ông Vũ Tất Đạt - Giám đốc Công ty Quản trị mạng, đối với những trung tâm sửa chữa có uy tín, chính hãng nhân viên nhận máy và tháo rời từng vị trí trước mặt khách hàng và hướng dẫn cho khách hàng biết những con số quan trọng của linh kiện như 512MB, 160GB, hoặc chữ DVDRW… Sau đó, biên nhận gửi sửa chữa phải trùng khớp với các con số trên.
Với trường hợp khó nhận biết thì ghi thêm các mã số, ký hiệu. Nếu có người quen am hiểu về máy tính, nên nhờ họ kiểm tra máy trước và sau khi sửa (nên đi cùng đến nơi sửa và cùng kiểm tra với nhân viên kỹ thuật). Khi máy bị hỏng HDD, ổ CD hay RAM... chỉ nên tháo riêng từng bộ phận để đem đi sửa. Bên cạnh đó, khách hàng cần yêu cầu được báo lỗi và giá trước khi sửa.
Tuy nhiên, khi mang máy tính đi sửa chữa tại những cửa hàng bên ngoài, khách hàng nên yêu cầu nhân viên kỹ thuật viết phiếu phát sinh sự cố, ghi lại cấu hình máy có cả số series của từng bộ phận, thời gian giao nhận cùng thông tin khách hàng… Tất cả phải có chữ ký của nơi sửa chữa và giao một bản sao cho khách giữ.

Những câu phát ngôn "đỉnh" nhất giới công nghệ 2012

Đó là những thời điểm thẩm phán Lucy Koh phát cáu vì vụ kiện Apple - Samsung, hay CEO Tim Cook lên tiếng về thảm họa bản đồ trên iOS 6.

Đôi khi điều bạn nói quan trọng, và đôi khi, cách nói cũng có ý nghĩa chẳng kém. Dưới đây là những phát ngôn ấn tượng và đáng nhớ nhất trong năm của lĩnh vực khoa học công nghệ:
1. “Các anh muốn tôi ra lệnh triệu tập toàn bộ các nhân chứng được liệt kê trong 75 trang hồ sơ này? Trừ phi các anh bị hoang tưởng, ai cũng hiểu không thể gọi hết các nhân chứng khi các anh chỉ có chưa đầy 4 giờ!” – Thẩm phán Lucy Koh.
Câu này nói được thốt ra khi vị Thẩm phán Lucy Koh cũng không thể giữ nổi cái đầu lạnh trong phiên tòa xét xử Apple  Samsung nữa. Nhiều lần trong suốt 3 tuần xét xử, bà Koh đã mất bình tĩnh, nhưng câu nói ngày 16/8 chính là đỉnh điểm khiApple cố gắng liệt kê quá nhiều nhân chứng và chiếm hết thời gian quý báu của phiên chất vấn.
Tuy nhiên, sự bức xúc của bà Koh dường như chẳng gây tổn hại gì cho Apple, bởi chỉ vài ngày sau, bồi thẩm đoàn vẫn đứng hẳn về phía Táo khuyết và buộcSamsung phải bồi thường thiệt hại 1.05 tỷ USD cho Apple.
2. “Tôi luôn thích hòa giải hơn tranh cãi. Nhưng quan trọng là Apple không thể gánh trách nhiệm phát triển cho cả thế giới được. Mọi người cũng phải tự mình sáng chế ra sản phẩm của họ chứ!” – Tim Cook, Tổng Giám đốc điều hành Apple.
Cuối cùng thì Apple cũng đạt được một thỏa thuận dàn xếp hời với HTC và kiếm được bộn tiền từ đó. Nhưng chắc chắn cuộc chiến với Samsung sẽ không đơn giản như vậy, khi mà Samsung tỏ ra rắn mặt hơn nhiều và sẵn sàng đấu tới cùng.
3. “Chúng tôi đã đề nghị họ nghĩ lại. Nó sẽ gây ra một tác động cực kỳ tiêu cực lên hệ sinh thái và các thương hiệu khác sẽ phản ứng tiêu cực. Đây không phải là lĩnh vực mà họ giỏi, vì vậy làm ơn hãy nghĩ cho kỹ” – Giám đốc điều hành JT Wang của Acer bình luận về việc Microsoft tự sản xuất tablet Surface.
Trong lúc Samsung  Apple còn đang quyết đấu sống mái với nhau trong tòa án về thiết kế tablet và smartphone thì Microsoft có một canh bạc mới với tablet (Surface) và smartphone (với hệ điều hành Windows Phone 8). Việc Microsoft tự mình thiết kế và sản xuất Surface đã khiến một số đối tác phần cứng không hài lòng, nhưng phản ứng quyết liệt hơn cả chỉ có Acer.
4. “Với việc tung ra dịch vụ Maps mới hồi tuần trước, chúng tôi đã làm chưa tốt cam kết của mình. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì nỗi thất vọng gây ra cho người dùng và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để cải tiến ứng dụng này trở nên tốt hơn” – Tim Cook phát biểu sau scandal liên quan đến bản đồ số ở iOS 6.
Tim Cook lần thứ hai xuất hiện trong danh sách nhưng với giọng điệu “mềm mại” hơn nhiều. Dù iPhone 5 bán vẫn chạy như tôm tươi, nhưng đồng thời nó cũng mang đến 1 scandal gây muối mặt Apple, đến mức lần đầu tiên vị CEO của Apple phải công khai xin lỗi người dùng.
Nhiều thành phố mất tích bí ẩn, chỉ đường thiếu chính xác, những cây cầu xiêu vẹo… Apple Maps dính phải quá nhiều lỗi sai sơ đẳng. Cook còn gây bất ngờ hơn khi khuyên khách hàng dùng tạm các dịch vụ đối thủ như Bing, MapQuest, Google hoặc Nokia Maps trong khi chờ đợi hãng cải tiến Apple Maps.
5. “Xác nhận đổ bộ. Chúng ta đã an toàn trên sao Hỏa. Chúng ta đã đáp bánh xuống sao Hỏa!” – Allen Chen, trung tâm chỉ huy sứ mệnh Curiosity của sao Hỏa bình luận trong giây phút lịch sử, khi tàu thăm dò 2,5 tỷ USD của NASA này sống sót qua 7 phút kinh hoàng và tiếp đất sao Hỏa thành công.
Rất nhiều kịch bản bất ngờ có thể xảy ra khi Curiosity hạ cánh bằng phương pháp chưa từng có tiền lệ là sử dụng dù khổng lồ để giảm tốc. Nhưng cuối cùng, màn hạ cánh của Curiosity đã diễn ra đẹp như trong sách và nhanh chóng gửi những hình ảnh đầu tiên về cho Trái đất. Nó thậm chí còn post lên Twitter thông điệp: “Tôi đã an toàn trên bề mặt Sao Hỏa”.
6. “Đây không phải là thiết bị gia dụng. Chỉ khi nào muốn vượt mọi giới hạn thì bạn mới thiết kế ra những thiết bị kiểu này”, đồng sáng lập Sergey Brin của Google bình luận về chiếc kính Google Glass.
Một trong những thiết bị sáng tạo nhất năm 2012 chính là Google Glass, một gọng kính siêu nhẹ tích hợp cả máy ảnh, radio để truyền dữ liệu, loa, mic, cho phép kết nối mạng và hiển thị thông tin ảo “chồng” lên thế giới thực.
7. “2012 sẽ chìm ngập trong Metro, Metro, Metro và tất nhiên rồi, Windows,Windows, Windows”, Steve Ballmer, Tổng Giám đốc điều hành Microsoft dự đoán về triển vọng của Windows 8.
2012 là một năm bước ngoặt của Microsoft với sự ra mắt của loạt hệ điều hànhWindows 8, Windows RT và Windows Phone 8. Không thể kiềm chế nổi sự phấn khích, Ballmer đã liên tục réo tên “Windows” trong bài diễn thuyết tại CES 2012 hồi tháng Một.
8. “Ủy ban tìm kiếm và toàn bộ Hội đồng quản trị đã nhất trí rằng ông ấy là nhà lãnh đạo phù hợp để đưa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Yahoo tăng trưởng trở lại” – Roy Bostock, Chủ tịch Yahoo phát biểu hôm 4/1.
“Ban Giám đốc nhất trí rằng kinh nghiệm vượt trội của Marissa về công nghệ, thiết kế và điều hành sản phẩm khiến bà trở thành nhà lãnh đạo phù hợp cho Yahoo! tại thời điểm này”, Fred Amoroso- Chủ tịch Yahoo phát biểu ngày 16/7.
Không phải một mà tới hai lần trong năm, Yahoo tuyên bố hãng đã tìm ra nhà lãnh đạo “phù hợp” cho mình. Chỉ có điều sự lựa chọn hồi tháng 1 là Scott Thompson, người đã gây ra scandal khai gian CV về việc có bằng kỹ sư CNTT trong khi thực tế tấm bằng đó không hề tồn tại.
Để xóa bỏ chương hổ thẹn đó, Yahoo đã nhanh chóng mời Marrisa Mayer từ Google về thay thế. Tuy nhiên, chưa thể nói gì nhiều về những điều Mayer đã làm được để chuyển biến Yahoo, ngoài một số thay đổi nhỏ ở giao diện Mail và sự khai tử một số dịch vụ thiếu hiệu quả.
9. “Không đời nào tôi nói chuyện thiện chí với cảnh sát nước này cả. Bạn có thể bảo tôi hoang tưởng, nhưng chắc chắn họ sẽ giết tôi. Điều đó là không phải nghi ngờ gì nữa”, John McAfee, nhà tỷ phú sáng lập hãng bảo mật McAfee về việc ông bị tình nghi giết người và phải trốn tránh cảnh sát sở tại.
Tuy nhiên, đến phút chót thì McAfee vẫn bị cảnh sát Guatemala bắt giữ và sẽ được dẫn độ về Mỹ.

Những phi vụ thâu tóm đình đám trong làng công nghệ

Microsoft thâu tóm 86-DOS hay những vụ nuốt gọn YouTube và Android của Google được xem là thành công nhất trong lịch sử làng công nghệ thế giới.

Microsoft thâu tóm 86-DOS (75.000 USD)
Tháng 7/1981, Bill Gates và Paul Allen đã đưa ra một quyết định lịch sử khi thâu tóm QDOS (còn gọi là 86-DOS) từ Seattle Computer Product với giá chỉ 25.000 USD. Sau đó, hai ông chủ bỏ thêm khoảng 50.000 USD để hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý, mở ra một kỷ nguyên mới cho Microsoft. 86-DOS chính là tiền đề đểMicrosoft tạo ra Windows, hệ điều hành máy tính thành công nhất trong lịch sử loài người.
Apple mua lại NeXT (404 triệu USD)
Sau khi thừa nhận sai lầm của việc sa thải Steve Jobs, Apple đã thuyết phục ông quay lại công ty do chính mình sáng lập, bằng cách mua lại NeXT. Tại thời điểm đó, chính những công nghệ của NeXT đã cứu Apple khỏi bờ vực phá sản, giúp hãng này tạo ra hệ điều hành OS X.
Microsoft thâu tóm Hotmail (400 triệu USD)
Nhằm cạnh tranh với Yahoo, Microsoft đã đầu tư vào Hotmail, sau đó thâu tóm luôn hãng này để tạo ra một nền tảng mail lớn nhất thế giới trong suốt hơn một thập kỷ. Việc được tích hợp hàng loạt các dịch vụ web khác của hãng như Windows Live Messenger hay SkyDrive đã tạo ra những trải nghiệm mới lạ và sáng tạo bậc nhất cho Hotmail. Hiện tại, Microsoft đã khai tử Hotmail và sử dụng Outlook.comnhư một sự thay thế.
HP thâu tóm Compaq (25 triệu USD)
Michael Dell gọi đó là thảm họa lớn nhất thế kỷ XX. Dưới triều đại của Carly Fiona, một trong những CEO công nghệ tệ nhất mọi thời đại, hàng loạt những sếp lớn đã tháo chạy khỏi Compaq, và chỉ có HP là tin vào thành công của thương vụ nói trên. HP sau đó đã chứng minh được thực lực của mình, bằng cách trở thành nhà sản xuất PC số 1 thế giới trong suốt một thời gian dài.
eBay thâu tóm PayPal (1,5 tỷ USD)
Sau khi thất bại trong việc phát triển dịch vụ chuyển tiền của riêng mình, trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới quyết tâm mua bằng được PayPal, dịch vụ chiếm khoảng 60% giao dịch tiền trên mạng thời điểm đó.
Đây được xem là một trong những vụ đầu tư sáng suốt nhất của eBay. Sau 10 năm kể từ vụ thâu tóm, PayPal hiện vẫn chiếm trên 40% các giao dịch trên mạng. Cũng chính nhờ eBay, người ta mới biết đến những nhân vật gọi là mafia trên PayPal.
Google mua Android (50 triệu USD)
Android chính là một trong những "con mồi" thành công nhất của Google. Hệ điều hành này đang tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường di động, với hơn một triệu thiết bị được kích hoạt mỗi ngày. Có một điều đáng ngạc nhiên là Google mới chỉ thu về khoảng 500 triệu USD từ nền tảng này, nhưng thông qua các dịch vụ tìm kiếm hay các giải pháp quảng cáo. Tuy nhiên, doanh thu của Google từ Androidtrong vài năm tới được dự báo sẽ tăng theo cấp số nhân.
Lenovo thâu tóm bộ phận sản xuất PC của IBM (1,75 tỷ USD)
Nhiều người cho rằng, Lenovo đã đánh bạc khi mua lại bộ phận sản xuất PC của IBM. Tuy nhiên, hãng sản xuất Trung Quốc đã đưa doanh thu của bộ phận này từ 3 tỷ lên thành 5 tỷ USD chỉ trong 3 năm, và biến ThinkPad trở thành thương hiệu tin cậy bậc nhất trong phân khúc laptop dành cho doanh nhân.
Google thâu tóm YouTube (1,65 tỷ USD)
Google đã cho thấy mình khôn ngoan thế nào khi bỏ ra gần 2 tỷ USD choYouTube, dịch vụ chia sẻ video lớn nhất thế giới. Ở thời điểm hiện tại, YouTubeđang là con gà đẻ trứng vàng của Google, nhờ các giải pháp quảng cáo và tiền hợp đồng đàm phán nội dung trên website này. Mỗi năm, YouTube mang về choGoogle không dưới 1 tỷ USD.
Facebook thâu tóm Instagram (1 tỷ USD)
Facebook đã tiêu tốn nhiều tháng trời để tìm ra một giải pháp nhằm đẩy mạnh sự xuất hiện của mình trong lĩnh vực di động. Thâu tóm Instagram, ứng dụng di động đang gây sốt, chính là câu trả lời tốt nhất. Với hơn 100 triệu người dùng đăng ký, ứng dụng chia sẻ ảnh này là một công cụ tốt giúp gia cố hệ thống mạng xã hội của họ.

 

Cuộc chiến của “tứ đại gia” làng công nghệ

Cuộc chiến của “tứ đại gia” làng công nghệ, bao gồm Apple, Amazon, Google và Facebook, được dự báo sẽ còn leo thang mạnh mẽ hơn trong năm 2013, tập trung chủ yếu vào hai “mặt trận” phần cứng và tìm kiếm trực tuyến.

4 "ông lớn" trong làng công nghệ: Apple, Amazon, Facebook, Google.
Theo báo Wall Street Journal, những “ông lớn” về phần mềm bao gồm Google Amazon đang quan tâm tới việc thúc đẩy mảng phần cứng để củng cố sự trung thành của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường kiểm soát đối với các dịch vụ phần mềm cũng như nguồn doanh thu từ các dịch vụ này. Chiến lược như vậy dẫn tới sự xung đột gia tăng với Apple, trong khi “quả táo” cũng muốn phát triển thêm phần mềm để các thiết bị của hãng thêm phần nổi bật.
Với vụ thâu tóm hãng Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD, Google đang ấp ủ kế hoạch sử dụng nhà sản xuất điện thoại này để tung ra những thiết bị mới chạy hệ điều hành Android, nhằm làm lu mờ ánh hào quang của chiếc iPhone. HãngAmazon, vốn đã khiến cuộc chiến máy tính bảng tăng nhiệt với sản phẩm Kindle Fire, nay còn đang thử nghiệm sản phẩm điện thoại thông minh của riêng mình.
Trong khi đó, cả bốn công ty này đều xem mảng tìm kiếm là một cơ hội lớn để giữ chân và tìm kiếm lợi nhuận từ khách hàng. Kiểu tìm kiếm bằng cách nhập từ khóa vào ô trống trên Google đã chứng tỏ ưu thế nổi trội suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, các đối thủ của Google giờ lại muốn “hạ bệ” công cụ tìm kiếm này thông qua dịch vụ tìm kiếm trên điện thoại di động thông minh và các thiết bị khác. Bên cạnh đó còn có hàng loạt dịch vụ tìm kiếm khác, cho phép các gợi ý từ bạn bè.
Cú đột phá của Apple vào mảng tìm kiếm chính là “phụ tá ảo” Siri, một phần mềm được kích hoạt bằng giọng nói, đem lại câu trả lời cho những chủ đề như thời tiết hay tỷ số các trận đấu thể thao thông qua điện thoại iPhone hoặc máy tính bảng iPad. Năm tới, Apple sẽ tiếp tục “săn lùng” những dữ liệu mới để tăng cường sức mạnh cho dịch vụ này, giúp Siri có thể đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người sử dụng.
Tại một sự kiện diễn ra vào tháng 9 vừa qua, Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook cho rằng, có vô số cách khác nhau để bạn bè (Friends) có thể cung cấp những câu trả lời hữu ích cho người sử dụng. Zuckerberg cũng tuyên bố, Facebook sẽ tăng cường năng lực tìm kiếm trong tương lai.
Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác, từ thương mại điện tử cho tới quảng cáo trực tuyến,Apple, Google, Facebook  Amazon cũng đang đấu đá hết sức quyết liệt. Dưới đây là dự báo của Wall Street Journal về chiến lược cạnh tranh lẫn nhau của “tứ đại gia” này trong năm 2013:
Apple
Trong năm nay, Apple cần chứng minh được rằng hãng có khả năng phòng thủ. Các đối thủ từ Samsung cho tới Amazon đều đang đồng loạt “chĩa súng” vàoApple, sau khi hãng này tung ra những thiết bị mang tính chất định nghĩa như iPhone và iPad.
Những đối thủ này cũng đã gặt hái được một số thành công. Theo số liệu của hãng nghiên cứu IDC, thị phần của Apple trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm xuống còn 15% trong quý III vừa qua, so với mức 22% trong quý I.
Điện thoại mới chỉ là một lĩnh vực mà Apple cần phải cẩn trọng trước sự bám đuổi của các đối thủ. Những chiếc máy tính bảng chạy Android cũng đang rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua với iPad. Để củng cố lực lượng, Apple, hãng vừa mới trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất lịch sử Mỹ trong năm nay, mới đây đã tung ra chiếc iPad Mini. Đây là sản phẩm máy tính bảng giá rẻ hơn, nhằm cạnh tranh với hàng loạt máy tính bảng giá rẻ khác đã ra mắt.
Việc phòng thủ chỉ bảo vệ Apple được đến đó. Để đưa mình vào thế tiến công, CEO Tim Cook của Apple đã nhấn mạnh việc hãng này quan tâm tới sản phẩm TV và đang thử nghiệm những chiếc TV độ nét cao, đồng thời đàm phán thiết lập quan hệ đối tác với các hãng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Tuy nhiên, việc đến khi nào Apple sẽ tung ra sản phẩm TV vẫn còn là một ẩn số. Ở những lĩnh vực mới khác của Apple, sự chú ý được dành cho dịch vụ tìm kiếm và phần mềm Siri. Sau thất bại ở dịch vụ bản đồ trong năm nay, Apple đang tiếp tục đầu tư vào “trợ lý ảo” Siri. Vào đầu năm, Apple cũng “câu” mất Giám đốc tìm kiếm của Amazon, William Stasior.
Google
Năm nay, Google đã mạnh bạo bước vào những lãnh địa mới, dẫn tới va chạm không chỉ với các đối thủ chính mà còn với cả các công ty dịch vụ cáp và các nhà mạng không dây. Năm tới, “đại gia” này có khả năng sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát số phận của mình, theo đó đảm bảo rằng, công cụ tìm kiếm, trang chia sẻ video YouTube, và những dịch vụ mới mẻ hơn như Google Wallet (cho phép người sử dụng dùng điện thoại thông minh của họ như một chiếc ví điện tử) có thể tiếp cận người tiêu dùng mà không bị cản trở bởi tốc độ tuy cập Internet chậm chạp, hay bị các đối thủ cạnh tranh ngăn cản.
Điều này đồng nghĩa với việc thúc đẩy những sáng kiến mà Google đã tung ra trong năm nay, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ Internet tốc độ siêu cao mang tênGoogle Fiber ở thành phố Kansas, mở đầu cho động thái tương tự ở những nơi khác sau năm 2013; thăm dò các khả năng nhằm kiểm soát truy cập Internet không dây thông qua các mối quan hệ đối tác; và sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng thông qua Motorola - việc sẽ đem đến cho Google một tiếng nói lớn hơn trong các dịch vụ chạy trên những thiết bị này. Ngoài ra, cũng hy vọng Google sẽ giúp phát triển thêm nhiều thiết bị kết nối web cho các hộ gia đình, sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở Android.
Cùng với đó, Google đang có những động thái phòng thủ với mong muốn ngăn cản bước tiến của những đối thủ chính trong lĩnh vực web, bao gồm Amazon Facebook. Google đã làm việc với các hãng bán lẻ cạnh tranh với Amazon nhằm giúp họ tiếp cận với người tiêu dùng thông qua công cụ tìm kiếm của mình. Năm tới,Google cũng được dự báo sẽ giúp các hãng bán lẻ thực hiện dịch vụ giao hàng trong ngày cho khách mua hàng trực tuyến.
Và để cạnh tranh với Facebook, Google đã thúc đẩy người sử dụng công cụ tìm kiếm này, cùng với Gmail và các dịch vụ khác của hãng, đăng ký dùng Google+, một mạng xã hội “lai” giữa Facebook và Twitter cho phép mọi người chia sẻ tin tức, các bức ảnh, video…
Chưa hết, trong năm 2013, Google sẽ phải quyết định xem liệu có thiết lập quan hệ đối tác với một hãng sản xuất ô tô nào đó để tạo ra sản phẩm xe tự lái sử dụng phần mềm Google hay tự mình trực tiếp sản xuất sản phẩm này. Bên cạnh đó, chiếc kính tương tác Google Glass cũng sẽ được tung ra trong năm sau.
Facebook
Tại Facebook, dấu ấn của năm 2012 là vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Năm 2013, tâm điểm chú ý đối với Facebook sẽ là việc mạng này tiếp tục tiến vào lĩnh vực kinh doanh lấy di động làm trọng tâm và Facebook sẽ sẵn sàng đi đến đâu ở lĩnh vực điện thoại thông minh.
Trong năm qua, Facebook đã viết lại các ứng dụng di động của mạng này, đưa ra các sản phẩm quảng cáo di động, đồng thời thúc đẩy những ứng dụng di động độc lập mới, chẳng hạn dịch vụ tin nhắn.
Các đối thủ của Facebook muốn biết xem liệu Facebook có nhảy vào lĩnh vực phần cứng, và nếu có thì khi nào điều này sẽ xảy ra. CEO Zuckerberg đã công khai phủ nhận những tin đồn về việc Facebook đang chế tạo một chiếc điện thoại riêng, và gọi việc làm như vậy là một “chiến lược sai lầm”. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận với Facebook nói rằng, công ty này đã làm việc với các nhà sản xuất di động như HTC để thiết kế điện thoại.
Một thiết bị được Facebook hậu thuẫn, có khả năng sẽ chạy trên phiên bản được điều chỉnh của phần mềm Android, sẽ giúp cho mạng xã hội này thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng của mình và thu thập được nhiều hơn dữ liệu người dùng.
Ngoài ra, Facebook cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lĩnh vực tìm kiếm trong năm tới. Mới đây, mạng này tung ra một tính năng di động mới giúp người sử dụng tìm kiếm các doanh nghiệp ở gần dựa trên bạn bè và mạng xã hội.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại điện tử sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Facebook, vì mạng này mới đây đã giới thiệu dịch vụ Gifts. Nền tảng thương mại điện tử này cho phép người sử dụng gửi hàng hóa, chẳng hạn như thẻ quà tặng của chuỗi cửa hiệu cà phê Starbucks và bánh quy tới bạn bè. Đây thực sự là một mối đe dọa đối với Amazon, nhất là khi Facebook có thêm những đối tác bán lẻ.
Amazon
Đối với Amazon, năm 2013 có thể sẽ là năm tung ra chiếc điện thoại thông minh đã được đồn đoán bấy lâu. Hãng bán lr trực tuyến này hiện đang thử nghiệm một sản phẩm điện thoại thông minh cùng với các nhà cung cấp châu Á và có khả năng sẽ giới thiệu vào đầu năm tới – theo một số nguồn tin thân cận. Một chiếc điện thoại gắn mác Amazon sẽ được phát triển tren kinh nghiệm của công ty này từ các thiết bị Kindle Fire HD, cũng như kho ứng dụng đang phát triển nhanh của công ty. HiệnAmazon đang có hơn 60.000 ứng dụng chạy trên phần mềm Android của Google.
Nếu Amazon tung ra sản phẩm điện thoại, thị phần chiếc iPhone của Apple có thể hao hụt thêm. Đồng thời, khi đó Amazon sẽ thách thức các nhà sản xuất thiết bị khác phát triển những sản phẩm chạy Android, trong đó có Samsung. Amazon có thể sẽ áp mức giá thấp và chấp nhận lợi nhuận thấp đối với chiếc điện thoại này, bởi một sản phẩm như vậy được hãng sản xuất là để tìm kiếm lợi nhuận từ việc bán các hàng hóa khác trên Amazon.com chẳng hạn như sách điện tử, trò chơi và ứng dụng. Đó chính là hướng đi mà CEO Jeff Bezos của Amazon đã áp dụng đối với các sản phẩm máy tính bảng của hãng, xem đây như một nền tảng bán hàng hơn là một đối tượng trực tiếp sinh lợi.
Một chiếc điện thoại thông minh đến từ Amazon cũng sẽ gây thêm áp lực cho các nhà bán lẻ khác, bởi nó sẽ khiến việc mua hàng trên mạng trở nên dễ dàng hơn ngay tại các cửa hiệu bán lẻ thực tế. Amazon đã khuyến khích người tiêu dùng xem hàng trên thực tế trước khi mua trên mạng.
Bên cạnh đó, Amazon cũng đang bám đuổi Apple ở lĩnh vực máy tính bảng. Chiếc Kindle Fire mới nhất của hãng đã nhận được những phản hồi khá tích cực. Giới quan sát kỳ vọng Amazon sẽ đưa ra một sản phẩm máy tính bảng giá rẻ trong năm tới để đưa người sử dụng gắn bó chặt chẽ hơn với “hệ sinh thái” mà hãng đã tạo ra