Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Những nguy cơ bùng nổ thời đại công nghệ

Điện thoại di động thông minh (smartphone) đã trở nên vô cùng cần thiết vì vô số các tiện ích mà nó có thể cung cấp cho người sử dụng như nhật ký cá nhân, email, chơi game, chụp ảnh và nghe nhạc… Khi xu hướng sử dụng smartphone lan rộng, thì số người mắc chứng “nghiện smartphone” càng tăng mạnh.






Học sinh phải nộp lại điện thoại trong giờ học tại trường tiểu học Chilbo ở Suwon



Ăn, ngủ cùng smartphone

Cô bé Park Jung-in, 11 tuổi ngủ cùng chiếc smartphone chạy hệ điều hành Android thay vì một chú gấu bông. Khi tiếng chuông đồng hồ báo thức trên điện thoại rung, cô bé liền bật dậy, lấy vội cặp kính và lướt xem hàng chục tin nhắn chưa đọc. Suốt ngày hôm đó, Park luôn cầm chiếc điện thoại trong tay dù cô bé đang ở trường, nhà vệ sinh hay đi trên đường và liên tục soạn tin nhắn tán gẫu với bạn bè. Thậm chí, cô bé còn dành hàng giờ để chăm sóc thú cưng điện tử trên điện thoại. “Cháu cảm thấy lo lắng khi pin giảm xuống dưới 20%”, Park vừa nói vừa dán mắt vào màn hình điện thoại.

Cũng giống như Park Jung-in, điện thoại di động đã trở thành một vật không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người dân Hàn Quốc. “Đôi khi cháu muốn đi ra ngoài chơi cùng bạn bè, nhưng tất cả bọn họ đều muốn chơi game trên điện thoại. Thật không thú vị chút nào”, Han Ji Min, một học sinh tiểu học nói. Trong khi đó, sinh viên đại học Chung Seung Yeon cho biết, nhiều bạn của cậu còn vừa ăn vừa dùng điện thoại. Tình trạng này trở nên phổ biến đến mức ai cũng xem chuyện đó là bình thường.

Tại trường tiểu học Chilbo ở thành phố Suwon, phía nam Thủ đô Seoul, các học sinh đều phải nộp lại điện thoại di động khi tới trường và được trả lại sau giờ học. “Bọn trẻ thường chúi mắt vào điện thoại ngay cả lúc ăn trưa nên chúng tôi phải áp dụng biện pháp này”, thầy giáo Han Jeoung-hee nói.

Nguy cơ hiện hữu

Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ số hóa nhiều nhất thế giới khi có tới 98% hộ gia đình sử dụng Internet băng thông rộng, 2/3 dân số sử dụng smartphone và số người sử dụng ngày càng trẻ hóa, trong đó có khoảng 2,6 triệu người “nghiện smartphone” và họ thường sử dụng điện thoại hơn 8 tiếng một ngày.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch số hóa tất cả các sách giáo khoa từ năm 2015 và trang bị cho các trường học máy tính bảng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại khi trẻ em nước này được tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ. Nhiều trẻ thậm chí đã biết chơi game trên điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị cá nhân khác trước khi biết đọc biết viết. Bởi chỉ cần chạm nhẹ tay lên màn hình cảm ứng là bọn trẻ có thể truy cập nhiều ứng dụng trên điện thoại nên chúng tỏ ra rất thích thú và say mê. Kim Jun-hee, giáo viên một trường mầm non nghiên cứu về sự an toàn của internet đối với trẻ em trước tuổi đến trường nhận định.

Tổ chức xã hội thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIA) cho biết, nhiều người thường tỏ ra hào hứng khi sử dụng smartphone nhưng lại mất tập trung và căng thẳng khi không có nó. Bởi vậy, người “nghiện smartphone” thường gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống hàng ngày mỗi khi không có nó. Hầu hết các hoạt động tương tác cá nhân của họ được thực hiện thông qua thiết bị cầm tay. Trong khi đó, nhiều người cứ 10 phút lại kiểm tra điện thoại một lần dù cho điện thoại không hề rung hoặc đổ chuông. Đây là dấu hiệu của chứng bệnh Nomophobia ngày càng gia tăng khi người dùng liên tục kiểm tra điện thoại một cách ám ảnh, không ngừng lo lắng mất điện thoại ngay cả khi đã cất ở nơi an toàn và không bao giờ muốn tắt điện thoại. Họ mang theo điện thoại dù đi bất cứ đâu, kể cả khi vệ sinh hay vào phòng tắm. Có người còn thú nhận phải giấu điện thoại dưới gối thì mới ngủ được.

Nỗ lực ngăn chặn

Hàn Quốc hiện có các chương trình tư vấn và điều trị cho những người không thể kiểm soát được thời gian chơi game online hay sử dụng internet. Bắt đầu từ năm nay, trẻ em từ 3-5 tuổi ở Hàn Quốc sẽ được dạy cách tự bảo vệ mình khỏi việc lạm dụng các thiết bị kỹ thuật số và internet. Các chương trình bao gồm hướng trẻ đến các hoạt động tích cực hơn như nghe nhạc hoặc chơi những trò chơi thay thế mà không cần sử dụng điện thoại hay truy cập internet.

Chính phủ Hàn Quốc cũng lên kế hoạch cài đặt phần mềm trên smartphone của thanh thiếu niên nhằm ngăn chặn “thông tin độc hại và bất hợp pháp”. Phương pháp này sẽ giúp loại bỏ các từ ngữ chửi thề, tiếng lóng cũng như đe dọa sử dụng bạo lực trên mạng xã hội hay nội dung liên quan tới khiêu dâm và ảnh khỏa thân.
Cùng với đó, các bậc cha mẹ cũng nên thiết lập giới hạn và thời gian sử dụng trước khi giao cho trẻ một chiếc smartphone. Ví dụ có thể đề nghị trẻ sạc pin điện thoại ở phòng bố mẹ, chúng sẽ được giao lại điện thoại vào sáng ngày mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét