Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Những chiêu "luộc" đồ công nghệ cần cảnh giác

Đem chiếc laptop bị hỏng đến một cửa hàng sửa máy tính để kiểm tra, chị Phương không ngờ nhiều bộ phận đã bị nhân viên sửa chữa “luộc” đồ bằng linh kiện rởm.

Khi gặp sự cố máy tính, khách hàng nên tới trung tâm bảo hành hoặc cửa hàng sửa chữa có uy tín (Ảnh minh họa)
“Lợn lành thành lợn què”
Chị Trần Hoài Phương (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, để tiết kiệm chi phí, chị không mang máy tính đến trung tâm bảo hành chính hãng mà tìm đến một cửa hàng sửa chữa máy tính bên ngoài.
Tại đây, chị được nhân viên cho biết, máy tính của chị bị hỏng nặng nên phải để lại sửa. Một tuần sau, chị Phương được nhân viên gọi điện thoại thông báo, họ không sửa được và yêu cầu chị Phương đến nhận máy về.
“Để biết thực hư mức độ hỏng hóc, tôi đem máy tính đến trung tâm chính hãng để kiểm tra lại. Sau gần một tuần, tôi được họ thông báo mainboard của máy tính bị cháy, RAM hỏng, một số bộ phận khác cũng bị thay thế, vì khi đem máy tính đến cửa hàng bên ngoài sửa chữa, tôi không có giấy biên nhận ghi chi tiết cấu hình máy nên chẳng có chứng cứ để kiện họ”, chị Phương bực bội.
Việc không am hiểu về linh kiện bên trong máy cũng như sự thay đổi của công nghệ khiến người dùng chỉ biết đặt lòng tin vào những cửa hàng sửa chữa máy tính. Lợi dụng điều này, không ít cửa hàng đã phù phép bằng cách thay đồ của khách hàng. “Sửa ở đâu có uy tín” là câu hỏi thường gặp ở bất cứ diễn đàn công nghệ nào.
Tuy nhiên, tìm được một địa chỉ sửa chữa máy tính uy tín không dễ đối với những khách hàng không có kiến thức về công nghệ, đặc biệt là nữ giới. Đây chính là cơ hội để những thợ sửa chữa “nhìn mặt” để ra giá và tranh thủ “luộc” đồ.
Đối với một chiếc laptop, các loại chip trên bo mạch chủ, thanh RAM, ổ đĩa CD, DVD... đều là những chi tiết bị “nhắm” đến nhiều nhất. Còn đối với điện thoại thì pin, camera chụp ảnh, màn hình cảm ứng… cũng là những bộ phận dễ bị thay thế.
Mỹ Dung, sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ kể lại, do làm rơi nên chiếc Samsung Galaxy Wonder của chị bị đứt cáp. Sau khi mang đến một cửa hàng điện thoại sửa chữa, đến ngày trả, mang máy về, Dung phát hiện camera chụp ảnh bị mờ, pin nhanh hết hơn, loa nghe nhạc và đàm thoại chập chờn, lúc được, lúc tắt. Cẩn thận mang đến một cửa hàng gần nhà để kiểm tra, Dung mới biết, camera, pin và loa chính hãng đã bị thay thế bằng phụ kiện Trung Quốc.
Hiện nay, một số cửa hàng sửa chữa đồ điện tử cũng ghi lại cho khách hóa đơn sửa chữa, cấu hình máy có cả số serial của từng bộ phận, tem bảo hành, thời gian giao nhận… Song thực tế, việc ghi lại các chi tiết máy cũng không tránh khỏi khả năng bị “luộc” đồ. Bởi, những loại tem bảo hành được dán trên linh kiện đồ điện tử có thể bị thợ sửa “cao tay” dùng máy sấy hoặc xăng để phù phép.
Thậm chí, nhiều cửa hàng sửa chữa đồ điện tử còn mở ra các chương trình khuyến mãi như kiểm tra laptop, xử lý hỏng hóc hay đăng ký kiểm tra tình trạng máy miễn phí. Đây cũng chính là mánh khoé để nhân viên sửa chữa biến “lợn lành thành lợn què”.
Phải có giấy biên nhận đầy đủ thông tin
Thông thường, ở những cửa hàng sửa chữa đồ điện tử luôn có sẵn đủ loại linh kiện cũ, hỏng hoặc bị lỗi như CPU, RAM... Khi khách hàng mang máy tính đến sửa, chỉ trong nháy mắt nhân viên sửa chữa có thể đánh tráo các bộ phận quan trọng bằng “hàng chết” nhưng có thông số giống hệt những phụ kiện trong máy của khổ chủ.
Sau đó, họ thông báo với khách hàng là “máy đã chết CPU, RAM cần phải thay thế”. Và đương nhiên, khách hàng chỉ còn cách thay linh kiện khác, nếu không đồng ý thì họ cũng vẫn thu được khoản lời đáng kể từ những món đồ vừa “luộc”.
Ông Lương Văn Tuấn, Phó giám đốc Công ty Tin học Tuấn Minh ở phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm cho biết, việc tráo đổi linh kiện khi khách hàng mang đồ điện tử như laptop, điện thoại đi sửa chữa xảy ra khá nhiều, đặc biệt với khách hàng thiếu hiểu biết về máy móc, thiết bị công nghệ cao hoặc cả tin giao toàn bộ cho nhân viên kỹ thuật.
Phần lớn các cửa hàng sửa chữa máy tính chỉ giao cho khách đến sửa chữa một tờ giấy biên nhận sơ sài, thậm chí nhân viên tiếp nhận cũng không ghi rõ các cột mục đầy đủ. Ngoại trừ nhân viên bảo hành phát hiện được bộ phận nào cần sửa thì tháo ra, các trường hợp để toàn bộ máy lại cửa hàng kiểm tra đều không có biên nhận tổng thể. Trong trường hợp xảy ra tráo đổi, phần lớn khách sẽ thiệt hại nếu giữa hai bên không làm biên nhận ghi rõ cấu hình và tình trạng của máy.
Theo ông Vũ Tất Đạt - Giám đốc Công ty Quản trị mạng, đối với những trung tâm sửa chữa có uy tín, chính hãng nhân viên nhận máy và tháo rời từng vị trí trước mặt khách hàng và hướng dẫn cho khách hàng biết những con số quan trọng của linh kiện như 512MB, 160GB, hoặc chữ DVDRW… Sau đó, biên nhận gửi sửa chữa phải trùng khớp với các con số trên.
Với trường hợp khó nhận biết thì ghi thêm các mã số, ký hiệu. Nếu có người quen am hiểu về máy tính, nên nhờ họ kiểm tra máy trước và sau khi sửa (nên đi cùng đến nơi sửa và cùng kiểm tra với nhân viên kỹ thuật). Khi máy bị hỏng HDD, ổ CD hay RAM... chỉ nên tháo riêng từng bộ phận để đem đi sửa. Bên cạnh đó, khách hàng cần yêu cầu được báo lỗi và giá trước khi sửa.
Tuy nhiên, khi mang máy tính đi sửa chữa tại những cửa hàng bên ngoài, khách hàng nên yêu cầu nhân viên kỹ thuật viết phiếu phát sinh sự cố, ghi lại cấu hình máy có cả số series của từng bộ phận, thời gian giao nhận cùng thông tin khách hàng… Tất cả phải có chữ ký của nơi sửa chữa và giao một bản sao cho khách giữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét